VĂN HÓA-XÃ HỘI
NGHỊ LỰC PHI THƯỜNG CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHỈ CÒN LẠI MỘT CHÂN TẠI CHÍ LINH
05/08/2021 02:02:45

NGHỊ LỰC PHI THƯỜNG CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHỈ CÒN LẠI MỘT CHÂN TẠI CHÍ LINH
29/07/2021 11:36:25

Không được may mắn như những người bình thường khác, một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra khiến anh Tuấn ( trú tại phường Cộng Hòa, TP Chí Linh ), mất đi 2 tay và một chân khi mới 12 tuổi. Bằng nghị lực phi thường, anh Tuấn đã vượt qua được sự đau đớn về thể xác lẫn tinh thần để vượt lên số phận.

Nhân vật chính trong câu chuyện Báo Công lý nhắc tới chính là Nguyễn Đình Tuấn
Tai nạn bất ngờ
Chúng tôi về thăm anh Nguyễn Đình Tuấn (43 tuổi, trú tại khu dân cư Cầu Dòng, phường Cộng Hòa, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương), vào trưa một ngày nắng nóng trung tuần tháng 4/2021, lúc này dịch bệnh Covid- 19 tại Hải Dương đã được dập tắt.
Nhìn thấy chúng tôi từ phía xa, ánh mắt anh Tuấn sáng bừng, đứng trước cổng đi về phía chúng tôi nhẹ nhàng đưa cùi tay phải của mình chạm vào mu bàn tay của tôi anh nói: “Chí Linh từng là tâm dịch nên mình bắt tay chào nhau theo kiểu phòng chống Covid nhé!”.
Trong căn nhà nhỏ giữa rừng xanh thăm thẳm, lần đầu gặp gỡ người đàn ông này, tuy nhiên ai trong số chúng tôi cũng đều ngỡ ngàng cảm nhận được sự thuần thục trong cử chỉ của anh. Dù 2 cánh tay đã bị cụt phân nửa nhưng anh lại vừa tự tay pha trà rót mời chúng tôi, rồi anh Tuấn bắt đầu tâm sự!
Anh Tuấn là con thứ ba trong gia đình có 5 anh chị em, hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Năm 1990, khi mới 12 tuổi, trong một lần theo chúng bạn đi chăn bò trên khu đồi Cầu Ván thì một tai họa bất ngờ ấp xuống.
Trong lúc chơi trò trốn tìm, anh và các bạn nhặt được quả bom bi còn sót lại sau chiến tranh. Vì tò mò, cả nhóm xúm lại xem thì không ngờ bom nổ. Sau tiếng nổ lớn, 3 người bạn của anh chết ngay tại chỗ. Riêng anh Tuấn ngất lịm đi, đến khi tỉnh dậy anh đã thấy chân trái vỡ nát buộc phải cắt bỏ, còn 2 cánh tay đứt lìa không còn khả năng phục hồi. Những năm tháng tiếp theo là quãng thời gian vô cùng khó khan, đau đớn đối với anh Tuấn.
Anh Tuấn chia sẻ: “Ý thức được sự mất mát của bản thân nên suốt những tháng ngày nằm trong Bệnh viện Chí Linh, anh đều tranh thủ tận dụng thời gian rảnh để tập luyện. Ban đầu Tuấn tập đứng, tập đi nạng trong sự đau đớn. Những vết thương ở đầu các chi cụt khi ấy chỉ vận động mạnh đã nứt toác, máu tứa ra lênh láng. Sau đó lại là những tháng ngày nằm bất động trên giường, không thể cựa quậy hay di chuyển, tôi chỉ có khát khao cháy bỏng là có thể bước đi trên đôi chân của mình để đến trường cùng chúng bạn. Nhưng đó là điều không thể”.
Nằm mãi trên giường, nhiều khi anh Tuấn tuyệt vọng chỉ muốn quyên sinh nhưng anh lại nghĩ khác. Bố mẹ cho anh hình hài còn số phận khiến thân xác anh không thể lành lặn nhưng chết đi thì có tội với gia đình với bản thân. Vật là từ đó, anh gắng gượng tập những động tác đơn giản để có thể tự lo lắng cho mình.
Những ngày đầu tiên, anh Tuấn cố bám lấy song gỗ đầu giường để trở mình mà cũng không thể, cố dốc sức bật dậy thì ngã lăn ra. Mỗi khi như vậy, các vết thương ở đầu các chi bị cụt lại bầm tím, tụ máu rồi sưng lên, đau nhức, lúc này anh lại khóc nức lên thành tiếng, anh Tuấn nhớ lại.
Nhưng ông trời không lấy của ai hết mọi thứ. Với nghị lực phi thường sau một thời gian dài tập luyện, anh đã tự đi lại được bằng nạng, Cánh tay phải chỉ còn khoảng 10cm, cánh tay trái còn 30cm của anh đã có thể cầm được quốc, tự bật lửa, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân như người bình thường.
Mặc dù chỉ còn lại một chân, tuy nhiên mọi công việc gia đình anh Tuấn đều có thể chu toàn một cách thuần thục
Vượt lên số phận…
Không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, năm 16 tuổi anh Tuấn xin bố mẹ cho vào trông giữ, chăm sóc 4ha rừng vải, bạch đàn tái sinh. Vì đường sá xa xôi nên hàng ngày Tuấn phải dậy từ sáng sớm để đi bộ lên khu rừng được giao cách nhà hơn 3km, tối lại lần theo đường mòn về nhà.
Đến năm 1997, nhận thấy việc đi về như vậy rất bất tiện, anh Tuấn lập lán trại, anh ở hẳn trong rừng, tự túc tất cả mọi việc từ nhỏ đến lớn. Lúc đầu, anh tập xách từng xô nước nhỏ từ dưới chân đồi lên đổ vào chum dự trữ, anh tập cầm dao thái rau, nhóm lửa nấu cơm, dần dần cầm được cả dao chặt tỉa cây, vác được cả cuốc xới đất.
Có thể nói, trong căn nhà nhỏ giữa rừng xanh, một mình anh tự làm tất mọi công việc từ nấu cơm đến tắm, giặt quần áo, gánh nước, quốc đất, trồng cây, chăn gà, nuôi lợn.
Năm 2002 anh xây dựng gia đình với một cô gái cùng làng. Hai vợ chồng đồng cam cộng khổ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Cuộc đời anh tưởng chừng đã bước sang trang mới khi đứa con đầu lòng ra đời.
Thế nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, năm 2007, đàn bò mắc bệnh chết sạch, đàn lợn 10 con do không tiêm phòng, chăm sóc cẩn thận cũng lăn đùng ra chết, kinh tế vốn khó khăn lại càng túng bấn hơn. Không chịu được nỗi khổ cực, chị vợ sau 5 năm cùng anh chung sống cũng dứt áo ra đi, bỏ lại đứa con mới lên 4 tuổi.
Nỗi đau chồng chất, anh Tuấn cảm thấy tuyệt vọng. Nhưng bản lĩnh của một người đàn ông từng trải qua quá nhiều nỗi bất hạnh đã không cho phép anh gục ngã. Sốc lại tinh thần, anh tiếp tục vượt lên số phận, lao vào nghiền ngẫm, tìm phương pháp làm lại từ đầu với cây keo, con gà đồi.
Thời gian lầm lũi cứ thế trôi qua, không ngờ một lần nữa đường tình duyên lại mở ra khi anh kết hôn với một người phụ nữ quê ở tỉnh Điện Biên, cô gái ấy đã không vì hình thể của anh mà chấp nhận. Hiện tại cuộc sống của hai vợ chồng vô cùng hạnh phúc trong căn nhà nhỏ trong rừng, cùng nuôi nấng cậu con trai sinh năm 2003 với người vợ đầu từng ngày lớn lên.
Đưa 2 cùi khuỷu tay cầm ly trà lên nhấp một ngụm, anh Tuấn bắt đầu kể về cuộc sống trong quãng thời gian phòng chống dịch Covid-19 vừa qua.
“Chí Linh thành ổ dịch, cuộc sống của người dân vất vả lắm chú à. Từ những ngày đầu tiên, cán bộ phường thường xuyên đến nhắc nhở người dân nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng chống dịch. Khi ấy, ai cũng lo lắng. Không thể di chuyển ra ngoài vì là vùng phải cách ly phong tỏa nên thiếu thốn đủ đường. Đồ ăn, thức uống thì có thể tận dụng được nhưng lo nhất vẫn là đàn gà đến độ xuất chuồng mà không thể bán. Kinh tế gia đình tớ trông hết vào nó cả đấy”, anh Tuấn chia sẻ.
Anh Tuấn hồ hởi nói, thông qua một số mối quan hệ của bạn bè, anh đăng thông tin lên mạng xã hội để nhờ sự giúp đỡ. Ngay lập tức, hàng loạt dòng tin của các cá nhân đang hoạt động từ thiện trong mùa dịch đã phản hồi. Người bố trí nguồn thu mua, người lo xe vận chuyển miễn phí, người hỗ trợ thùng xốp đựng gà… Vậy là chỉ sau vài ba ngày, toàn bộ đàn gà hơn 100 con của anh đã được xuất bán đi trong tỉnh và các vùng lân cận. Nhiều hộ dân khác trong vùng cũng được hỗ trợ giống như anh để giải cứu gà, giải cứu nông sản.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá bán thấp hơn nhiều so với những năm trước nhưng với số tiền hơn 30 triệu thu được, gia đình anh có thể yên tâm đầu tư sản xuất sau khi dịch được dập tắt hoàn toàn.
Bên cạnh sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm đến cuộc sống của người dân trong vùng dịch.
“Cứ vài hôm, nhà tớ lại được cán bộ phường gửi đến một túi rau xanh, vài củ su hào, chai nước mắn, khay trứng gà hay gói mỳ chính. Người dân trong ai cũng cảm thấy ấm lòng. Họ cũng san sẻ thực phẩm, túi khẩu trang, nước diệt khuẩn để cùng nhau chống dịch. Tình làng, nghĩa xóm càng thêm thắm đượm”, anh Tuấn vui vẻ khoe.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Công Hào – Phó Chủ tịch UBND phường Cộng Hòa cho biết: “Anh Nguyễn Đình Tuấn là người có tỉ lệ khuyết tật rất nặng tại địa phương. Số phận éo le, nhưng anh Tuấn đã trở thành tấm gương vươn lên vượt khó. Các mô hình sản xuất, chăn nuôi của anh Tuấn tuy chưa cao nhưng địa phương cũng tạo điều kiện cho gia đình anh vay vốn để sản xuất chăn nuôi sản phẩm mang đặc trưng của địa phương là con gà đồi Chí Linh”.
Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục theo dõi, kịp thời động viên và hỗ trợ gia đình anh theo chính sách hiện có của nhà nước để đời sống gia đình anh Tuấn ngày càng nâng cao hơn, ông Hào nói
(tải về1;)
(tải về1;)
(tải về1;)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ HƯNG ĐẠO - THÀNH PHỐ CHÍ LINH

Trưởng Ban Biên tập: Vũ Duy Đăng

Địa chỉ: Thôn Kim Điền - Xã Hưng Đạo - Thành phố Chí Linh - Tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0988 269 408

Email: nguyenthihuongqtvp1@gmail.com

 
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0