Minh họa: Huy Chương
Theo nhiều cán bộ, đảng viên, từ nhiều nhiệm kỳ qua, vấn đề miễn nhiệm, từ chức đã được đặt ra trong nghị quyết của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, được luật hóa trong hệ thống pháp luật nhà nước, đặc biệt là tại Quy định số 260-QĐ/TW ngày 2.10.2009 của Bộ Chính trị. Nhưng sau hơn 10 năm thực hiện, vấn đề khi nào thì miễn nhiệm, từ chức trở thành việc làm bình thường trong công tác cán bộ vẫn chưa thực sự có lời đáp thỏa đáng. Chính vì vậy, Quy định 41 của Bộ Chính trị quy định rõ ràng, cụ thể những trường hợp làm căn cứ xem xét miễn nhiệm, từ chức đã kịp thời khắc phục vướng mắc, phù hợp với thực tiễn và thể hiện đúng quan điểm của Đảng về công tác cán bộ.
Tuy nhiên, về trường hợp cán bộ có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định thì xem xét miễn nhiệm, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hải Dương Nguyễn Việt Dũng cho rằng cần phải thực hiện rất thận trọng. "Quy định trên rất cần thiết nhưng cần đánh giá thực sự khách quan, công tâm. Vì nếu địa phương nào còn cục bộ, lợi ích nhóm... mà chúng ta đánh giá không khách quan, công tâm thì vô hình trung quy định này sẽ khiến cho cán bộ dám làm việc khó, dám đột phá sáng tạo vì lợi ích chung sẽ không được bảo vệ", đồng chí Nguyễn Việt Dũng nêu quan điểm.
Nghiên cứu Quy định 41 của Bộ Chính trị, đồng chí Lê Duy Cành, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phú An, xã Cao An (Cẩm Giàng) bày tỏ tâm huyết với quy định trường hợp cán bộ sau khi từ chức vẫn có thể được quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử. Cùng với việc khuyến khích, làm cho việc từ chức trở thành việc không bất thường trong công tác cán bộ thì quy định này sẽ tạo điều kiện để cán bộ có cơ hội phấn đấu, sửa sai sau khi mắc khuyết điểm, vi phạm. "Chủ trương này có ý nghĩa rất quan trọng và Đảng ta đã có quan điểm rất cụ thể về vấn đề này. Quy định tạo cơ hội cho cán bộ tự sửa, khắc phục những khuyết điểm của bản thân. Những cán bộ sau từ chức mà có thay đổi, có ý chí cầu thị, tiến bộ, phấn đấu thì sẽ có nhiệt huyết, trách nhiệm hơn để cống hiến, làm tốt nhiệm vụ của mình", đồng chí Lê Duy Cành nói.
Khi được hỏi, nhiều cán bộ, đảng viên đều có chung quan điểm Quy định 41 của Bộ Chính trị đã tiếp tục làm sâu sắc hơn và nâng tầm yêu cầu của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ. Đồng chí Chu Văn Công, Bí thư Chi bộ thôn Nho Lâm, xã Văn Tố (Tứ Kỳ) cho biết: "Với việc quy định cụ thể 3 trường hợp xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu, việc nêu gương tiếp tục đi vào thực chất, trở thành yêu cầu, nhiệm vụ bắt buộc đối với cán bộ. Cán bộ sẽ bị xử lý nghiêm minh nếu vi phạm, để xảy ra vi phạm trong cơ quan, đơn vị mình phụ trách".
Nhiều cán bộ, đảng viên trong tỉnh cũng cho rằng Quy định 41 của Bộ Chính trị về miễn nhiệm, từ chức là căn cứ quan trọng để Hải Dương tiếp tục thực hiện các giải pháp mạnh mẽ hơn về công tác cán bộ. Đề án số 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2030 đã đề ra nhiều giải pháp để đánh giá cán bộ từ "định tính" sang "định lượng"; quy định việc cơ quan có thẩm quyền có thể bố trí công tác khác với cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm Quy định 41 của Bộ Chính trị và Đề án số 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được kỳ vọng sẽ tạo những chuyển biến quan trọng về công tác cán bộ. Cùng với các chủ trương, quy định, giải pháp của Đảng thì mỗi cán bộ, đảng viên cần có lòng tự trọng, tự soi, tự đánh giá đúng ưu điểm, khuyết điểm của bản thân, đặt lợi ích chung cao hơn quyền lợi cá nhân, sẵn sàng từ chức để không biến mình trở thành rào cản, điểm nghẽn cho sự tiến bộ, phát triển./.
Nguồn báo Hải Dương