Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Kiên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Chí Linh (tỉnh Hải Dương) xung quanh công tác đầu tư phát triển.
PV: Xin ông cho biết những định hướng chính trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2020 -2025, thành phố tập trung vào những nhiệm vụ trọng yếu nào?
Ông Nguyễn Văn Kiên: Nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ này được thành phố Chí Linh xác định là công tác quy hoạch và điều chỉnh phân khu phát triển kinh tế - xã hội. Công tác Quy hoạch tổng thể phát triển chung toàn thành phố đến năm 2040 sẽ thực hiện xong trong 6 tháng đầu năm 2022. Định hướng phát triển vùng, Chí Linh chia thành 3 vùng.
Vùng thứ nhất là vùng lõi, bao gồm trung tâm thành phố và vùng di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản di tích đặc biệt quốc gia gắn với du lịch tâm linh sinh thái. Tại khu vực giáp ranh với khu di tích lịch sử Kiếp Bạc, Tập đoàn Xuân Trường (Ninh Bình) xây dựng khu du lịch tổng hợp tầm cỡ quốc gia, quốc tế với các loại hình du lịch đặc trưng là lịch sử, văn hóa, tâm linh, sinh thái, với diện tích trên 1.500ha.
Vùng thứ hai, phía Bắc QL18, phát triển du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; phát triển nông nghiệp chất lượng cao gắn với sản xuất dược liệu dưới tán rừng, đồng thời bảo đảm công tác an ninh quốc phòng và khu vực phòng thủ của Quân khu 3 (trong đó có các tập đoàn lớn như Tập đoàn FLC đầu tư sân Golf, khu du lịch nghỉ dưỡng; Tập đoàn TH true MILK thực hiện sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao, trồng dược liệu dưới tán rừng).
Vùng phía Nam QL18 sẽ phát triển đô thị, phát triển công nghiệp và các dịch vụ. Trong đó, có 3 khu công nghiệp lớn. Khu công nghiệp Chí Linh 1, Chí Linh 2 ở khu vực phường Cộng Hòa mở rộng. Khu công nghiệp Chí Linh 3 ở 2 phường Tân Dân và Đồng Lạc. Quy hoạch phát triển khu đô thị lớn trên 100ha phục vụ tái định cư khi giải phóng mặt bằng cho Tập đoàn FLC và Tập đoàn TH true MILK. Quy hoạch sân vận động, nhà thi đấu đa năng quy mô của tỉnh ở các khu đô thị đó.
PV: Để phát triển đô thị năng động, TP. Chí Linh coi trọng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Kiên: Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông thời gian qua trên địa bàn có bước đầu tư khá mạnh mẽ. TP. Chí Linh sẽ được mở mang khi giao thông phát triển, đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long được xây dựng qua thành phố.
Về định hướng phát triển kết nối giao thông, thành phố có 5 dự án lớn nối với các tỉnh, thị xã, huyện lân cận: Quý I/2022 sẽ khởi công cầu Đồng Việt nối liền với tỉnh Bắc Giang; xây dựng đường và cầu Tân An. Cây cầu thứ 2 qua sông Kinh Thầy, đường trục mới nối Chí Linh và TP. Hải Dương, giúp cho lưu thông thuận lợi, chỉ mất 15 phút chạy xe ô tô. Cầu thứ 3 là cầu Vạn, từ phường Tân Dân qua sông Kinh Thầy sang xã Quang Thành, nơi có Nhà máy Nhiệt điện Kinh Môn;
Đường và cầu từ đường tránh QL37 sang Đông Triều (Quảng Ninh), sang Kinh Môn để nối khu vực này với cao tốc Nội Bài - Hạ Long; Kênh Phao Tân - An Bài được mở rộng đường 2 bên bờ, tạo trục cảnh quan thu hút đầu tư dịch vụ. Thêm 5 dự án phát triển giao thông, cùng 2 tuyến QL18 và QL37, bộ mặt các của ngõ của Chí Linh những năm tới sẽ đổi khác.
Thành phố Chí Linh đang từng ngày phát triển.
PV: Để thực hiện các mục tiêu phát triển đó, TP. Chí Linh gặp khó khăn, thuận lợi gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Kiên: Về hỗ trợ phát triển, tỉnh Hải Dương đã cho TP. Chí Linh có cơ chế đặc thù, để lại tiền đấu giá sử dụng đất để đầu tư công trình trọng điểm trong 5 năm (2021 -2025). Tỉnh xác định công trình trọng điểm, giao cho TP. Chí Linh đề xuất nguồn tài chính để đầu tư xây dựng các dự án. TP. Chí Linh chủ động trong việc xác định quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển nhà ở. Trước mắt, Chí Linh đã chuẩn bị nguồn tài chính để giải phóng mặt bằng một số công trình cầu, đường thi công trước.
PV: Vậy, trong thời gian tới, TP. Chí Linh sẽ hoàn thiện các tiêu chí như thế nào để đáp ứng yêu cầu xây dựng của đô thị loại II?
Ông Nguyễn Văn Kiên: Để trở thành đô thị loại II, về dân số TP. Chí Linh yêu cầu phải có từ 300 nghìn dân. Hiện tại đã có hơn 170 nghìn dân, cần có khoảng 130 nghìn nữa. Mỗi năm, địa bàn tăng dân số tự nhiên khoảng 10 nghìn người. Khi phát triển Khu Công nghiệp công nghệ cao Quảng Hưng thì lập tức thu hút cả trăm nghìn công nhân. Sẽ có khoảng 30 nghìn người định cư ở lại, vậy thành phố đã có 30 nghìn dân tăng mới. Với 3 khu công nghiệp, khách lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng sinh thái, tới đây TP. Chí Linh sẽ cơ bản đủ điều kiện về dân số cho thành phố loại II.
Nhu cầu về nhà ở tới đây cần bao nhiêu, thành phố đã tính toán, quy hoạch quỹ đất cụ thể từ nay đến 2030, thành phố dành 2.000 ha đất ở, chủ yếu quy hoạch đất ở sinh thái, đất ở đô thị để thu hút người dân về đây sinh sống, đáp ứng yêu cầu của TP. Chí Linh lên đô thị loại II.
Nhìn chung, sau khi hoàn thiện các quy hoạch xây dựng, thành phố sẽ từng bước hoàn thiện các tiêu chí từ đầu tư kết cấu hạ tầng đến phát triển dân số, nhưng quan điểm là hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; phát triển gắn với bảo vệ môi trường bền vững làm mục tiêu phát triển đô thị loại II.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Phóng viên Báo TN&MT phỏng vấn Chủ tịch UBND TP. Chí Linh Nguyên Văn Kiên (bên phải).
Báo Tài nguyên và Môi trường