Chỉ trước đây khoảng 20 năm, khu vực dân cư quanh Đền vẫn là những hộ dân làm nông nghiệp là chủ yếu, đời sống còn nhiều khó khăn, đói kém. Thậm chí những năm 1990, ở đây vẫn chưa có điện sáng, nhân dân sống trong khu vực lạc hậu. Tuy nhiên, khi kinh tế xã hội đất nước thời kỳ đổi mới đi lên, nhân dân thập phương chảy hội đã trực tiếp đưa đời sống nhân dân trên địa bàn đi lên, nhiều gia đình giàu có từ hoạt động bán hàng, dịch vụ sắp lễ và xem bói, xem tướng. Nhìn chung, hiện nay đời sống nhân dân ở khu vực quanh Đền đã khá giả hơn rất nhiều.
Kiến trúc
Khu vực đền Kiếp Bạc là một thung lũng trù phú ba phía có dãy núi Rồng bao bọc, một phía là Lục Đầu Giang. Núi tạo thành thế rồng chầu, hổ phục, sông tạo thành minh đường rộng rãi. Phía trước đền có cổng lớn có ba cửa ra vào nguy nga, đồ sộ. Trên trán cổng mặt ngoài có bốn chữ "Dữ thiên vô cực", dưới có 5 chữ "Trần Hưng Đạo Vương từ".
Qua cổng lớn, bên tay trái có một giếng gọi là Giếng Ngọc mắt rồng. Theo con đường đá đi đến khu vực để kiệu trong mùa lễ hội, phía trước có một án thờ. Trước đây người dân khi đến thăm Đền, đặc biệt trong các mùa lễ hội hay có tục thả tiền lẻ xuống Giếng để cầu may, tuy nhiên hiện nay với nỗ lực ngăn chặn của giới chức, hành vi này bị ngăn cấm và đến nay thì mất hẳn. Tuy nhiên vẫn có trường hợp vi phạm do thiếu ý thức cộng động.
Tòa điện ngoài cùng thờ Phạm Ngũ Lão, tòa điện thứ hai thờ Hưng Đạo Vương, tòa điện trong cùng thờ phu nhân Hưng Đạo Vương là công chúa Thiên Thành và hai con gái được gọi là Nhị vị Vương cô. Trong đền hiện còn 7 pho tượng bằng đồng: tượng Trần Hưng Đạo, phu nhân, hai con gái, con rể là Phạm Ngũ Lão, Nam Tào, Bắc Đẩu và 4 bài vị thờ các con trai của ông cùng 2 hổ tướng là Yết Kiêu và Dã Tượng.
Lễ hội
Bàn thờ Trần Hưng Đạo tại chính điện đền Kiếp Bạc
Lễ hội chính tổ chức từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 8 âm lịch, ngoài ra đầu xuân cũng có các hoạt động lễ hội