Chống dịch nhưng không cứng nhắc,“ngăn sông cấm chợ”, không làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất, không gây phiền hà cho nhân dân theo đúng tinh thần chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ.
Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế- xã hội toàn cầu, thách thức các nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới …Với tầm nhìn chiến lược, Đảng ta đã nhận định: “…tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, đang tác động toàn diện tới kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống nhân dân, có thể kéo dài, khó dự đoán chính xác thời gian kết thúc” (Thông báo số 172-TB/TW, ngày 21/3/2020 của Bộ Chính trị). Đồng thời, Thông báo cũng chỉ đạo: “…kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát, thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, duy trì sản xuất, kinh doanh, chăm lo cho người dân, chủ động chuẩn bị các phương án phục hồi nền kinh tế”.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2021 được xem là Chỉ thị quyết liệt nhất của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.
Để tránh các địa phương tránh hiểu máy móc, áp dụng cứng nhắc Chỉ thị này, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3.2020, nguyên Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, không phải “ngăn sông cấm chợ”, chưa phải phong toả xã hội. Như vậy, cách ly xã hội không phải là phong tỏa xã hội.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, các bộ ban ngành trung ương, địa phương đã vào cuộc tích cực theo nguyên tắc: ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch. Mặc dù đại dịch để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế thế giới, nhưng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ. Việt Nam đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Lấy một vài ví dụ: 20% thị phần giầy, quần áo ở Mỹ, 70% thị phần máy điện thoại Sam sung sản xuất tại Việt Nam; Công ty đa quốc gia Canon có 340 nhà máy cung cấp trên toàn cầu, trong đó có 147 nhà máy cung cấp đặt tại Việt Nam; thị trường dịch vụ sản xuất điện tử (EMS) của Việt Nam tăng trưởng với tốc độ hằng năm kép là 5%,…Việt Nam đang nổi lên như một cường quốc tầm trung và ngày càng có tiếng nói trong các vấn đề quốc tế, có khả năng xây dựng lại hệ thống quản trị toàn cầu đã bị tê liệt do căng thẳng giữa các siêu cường ngày càng gia tăng và sự bùng nổ của đại dịch Covd-19.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội đã áp dụng những biện pháp cứng nhắc, có mức cực đoan ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ làm đứt gẫy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn. Khắc phục tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ ngày 5/6/2021 có Công điện gửi các bộ, ban, ngành, các địa phương về áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế thực hiện “mục tiêu kép”.
Công điện nêu rõ: “…bảo đảm kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, không gây ách tắc hay ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh…”. Ngày 29/7/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn 5187/VPCP-CN về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá trong tình hình dịch Covid-19.
Bất kỳ một nền kinh tế nào, muốn phát triển được đều phải chú trọng 3 khâu: sản xuất, lưu thông, tiêu thụ, trong đó quan trọng nhất là khâu lưu thông. Bất kỳ trục trặc nào một trong 3 khâu đó đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của kinh tế- xã hội. Chẳng thế mà các nhà kinh tế học đều gọi giao thông vận tải là huyết mạch của nền kinh tế. Khi giao thông bị ách tắc, nguyên vật liệu sẽ không đến được nhà máy sản xuất, hàng hóa không đến tay người tiêu dùng, rau không đến bà con nội trợ, sữa không đến được với trẻ thơ…
Trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Chính phủ luôn nhắc nhở: Chống dịch chúng ta không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nhưng cũng không được lo sợ, hoang mang, dao động. Phải bình tĩnh, sáng suốt,…Tuy nhiên, thời gian vừa qua, một vài địa phương, vài nơi đã áp dụng các biện pháp chống dịch tới mức cực đoan, dựng hàng rào sắt, cấm người và các phương tiện giao thông qua lại mặc dù các tài xế và người tham gia giao thông đã thực hiện đầy đủ quy định trong phòng chống dịch của Bộ giao thông vận tải, hướng dẫn của ngành y tế khi tham gia giao thông, làm ngưng trệ hàng hóa kinh doanh, ùn ứ giao thông…
Nhìn các hàng rào sắt có cảm tưởng chúng ta đang phong tỏa xã hội hay thực hiện lệnh giới nghiêm. Vậy, những nơi đó chống dịch có thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không?
Sự chủ động ngay từ cơ sở, cùng với sự ủng hộ, đồng tâm hiệp lực của nhân dân trong việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch chính là nhân tố quan trọng và mang tính quyết định hiệu quả ngăn ngừa lây lan mầm bệnh từ các địa phương đang có dịch vào Hải Dương../.
(Phương tiện lưu thông trên quốc lộ 18 tăng cao dẫn đến ùn tắc tại cửa ngõ vào thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) giáp ranh với phường Hoàng Tiến (Chí Linh) chiều 9.8)
(Trước đó, từ 0 giờ ngày 8.8, tỉnh Quảng Ninh tạm dừng tiếp nhận người và phương tiện (trừ các trường hợp ưu tiên) vào các chốt kiểm soát dịch, trong đó có cầu Đông Mai (giáp ranh xã Nguyễn Huệ (Đông Triều) và phường Văn Đức (Chí Linh). Do đó các phương tiện đã đổ dồn về QL18., lượng xe tăng đột biến).
(Sau khi có chỉ đạo điều chỉnh, tình trạng ùn ứ trên QL18 đoạn giáp thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đả giảm hẳn, chỉ xảy ra vào buổi trưa và chiều tối, kéo dài từ 20- 30 phút)
Nguồn: Đài PT Chí Linh
Nguồn ảnh: Báo Hải Dương